Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lắng nghe ý kiến của những người làm trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách về tương lai của ngành. (Ảnh: Lê Anh Dũng)Hiện cả nước có 57 nhà xuất bản, hơn 2.400 cơ sở in và số cơ sở phát hành là 2.050. Tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành là trên 109.000 người. Tính đến hết năm 2022, mức bình quân sách của Việt Nam là 6,02 bản/người/năm.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, thách thức lớn nhất với các nhà xuất bản, đơn vị phát hành là chuyện chuyển đổi số, hiện mới phát triển được thị trường sách nói, thị trường sách điện tử khác còn chậm.
Bên cạnh với việc tháo gỡ những khó khăn trước mắt của các đơn vị trong ngành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã dành phần lớn thời gian của buổi làm việc để cùng các đại biểu thảo luận việc cần làm thế nào để tái sinh ngành xuất bản.
Đại diện lãnh đạo các đơn vị làm xuất bản, in, phát hành đều đã nhận thức rằng, trong kỷ nguyên số, ngành xuất bản buộc phải thay đổi, làm khác để có thể tồn tại và phát triển.
Từ thực tế tại đơn vị, bà Nguyễn Hoài Anh - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho hay, để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng, ngoài các ấn phẩm sách truyền thống, nhà xuất bản đã mở rộng thêm nhiều loại xuất bản phẩm khác như sách nói, sách rút gọn, sách dành cho công nhân khu công nghiệp, sách cho sinh viên... Đồng thời, đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người biết đến sách của nhà xuất bản mình.
Chia sẻ góc nhìn của người đã có nhiều năm hoạt động trong ngành xuất bản, ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, để tái sinh, cần mở rộng nội hàm, không chỉ là công tác xuất bản mà phải là sự nghiệp xuất bản. Và vấn đề mấu chốt, theo ông Lê Hoàng, cần phát triển văn hóa đọc để Việt Nam có nhiều người đọc sách hơn.
Dẫn chứng câu chuyện thực tế ngành xuất bản Indonesia, Hàn Quốc đã khuyến khích người dân đọc sách từ khi còn nhỏ, đại diện Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị sắp tới khi sửa Luật Xuất bản, cần nghiên cứu bổ sung nội dung về phát triển văn hóa đọc vào dự thảo Luật: “Văn hóa đọc phát triển, sức mua sách sẽ tăng lên và từ đó sẽ tạo điều kiện cho hệ sinh thái xuất bản cất cánh”.
Từ kết quả tiêu thụ ấn tượng tới 30.000 bản trong tháng 2 của cuốn “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” nhờ được người nổi tiếng giới thiệu, Giám đốc Công ty CP Văn hóa Sách Sài Gòn Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng rất cần có các đại sứ văn hóa đọc, đó là các chính trị gia, những doanh nhân thành công và những người có ảnh hưởng tới giới trẻ. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ để sách được giới thiệu đến nhiều người qua các nền tảng công nghệ.
Công nghệ số sẽ thay đổi căn bản ngành xuất bản
Trao đổi với những người làm xuất bản, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, đại diện Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã chỉ ra được 2 từ rất quan trọng với mọi lĩnh vực, đó là “hướng đối tượng” và “thương hiệu”. Đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng và có sự khác biệt, xây dựng thương hiệu để có thể cạnh tranh và phát triển là việc mà các nhà xuất bản đều cần quan tâm.
Lý giải sở dĩ sách chưa bán được nhiều qua các sàn TMĐT là do bị lạc giữa vô vàn sản phẩm khác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý các nhà xuất bản có thể sử dụng tin nhắn để quảng bá, giới thiệu sách hay truyền đi tư tưởng, thông điệp chính của các cuốn sách.
Đặc biệt, từ việc in sách hiện chỉ còn chiếm 10% công việc của ngành in do Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng chia sẻ, Bộ trưởng cho rằng, cần nghĩ khác đi về ngành xuất bản. Ngành in phát triển được như hiện nay là do nó không còn in sách là chính. Sách in sẽ có thể không là chính nữa trong ngành sách và vì thế xuất bản phát triển; rất có thể, các phiên bản khác của sách in mới là chính.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao ý kiến của Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam về việc cần tạo thị trường thông qua phát triển văn hóa đọc. Việc quan trọng mà Cục Xuất bản, In và Phát hành cần làm là phát triển văn hóa đọc thông qua truyền thông, qua phối hợp với các ngành, tổ chức khác như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ.
Chia sẻ cách tiếp cận của bản thân về ngành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghệ số của cách mạng 4.0 không chỉ được ứng dụng mà còn làm thay đổi căn bản cách sản xuất, phương thức truyền tải và phân phối của ngành xuất bản.
Nhận định tương lai của sách là “đa nền tảng và vô vạn hình tướng để có thể đến được với nhiều độc giả hơn”, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, để làm được điều này cần có sự hỗ trợ của công nghệ số. Hợp tác là lời giải chính cho ngành xuất bản, đặc biệt trong lúc này là sự hợp tác giữa nhà xuất bản và công ty công nghệ.
Bộ trưởng còn lưu ý, đưa sách lên môi trường số có vấn đề bản quyền và đây là trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ TT&TT: “Cục Xuất bản, In và Phát hành phải coi việc xây dựng thể chế số cho ngành là ưu tiên hàng đầu”.
Doanh nghiệp tiên phong sẽ dẫn dắt ngành công nghệ số Việt Nam tiến ra thế giới
“Đi cùng nhau” là một trong những cách đi mà Bộ TT&TT định hướng cho các doanh nghiệp công nghệ. Chiến lược của các doanh nghiệp tiên phong sẽ là bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế.">